Sau Tết, các Doanh nghiệp tiếp tục guồng quay của năm tài chính, thực thi chiến lược và kế hoạch được xây dựng và ban hành. Doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và nguồn nhân lực cũng là trọng điểm để các doanh nghiệp tập trung phát triển. Song hành cùng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường nhân lực sau Tết thông thường cũng sôi động hơn, đây cũng là lý do nhân viên trong các doanh nghiệp có cơ hội hoặc có mong muốn tìm cho mình một cơ hội mới nếu cảm thấy đã không còn yêu thích công việc hiện tại hoặc thậm chí họ còn chuẩn bị tìm một cơ hội mới trước Tết và chỉ chờ nhận thưởng là sau Tết nộp đơn xin nghỉ cho quản lý. Theo những khảo sát gần đây thì tỷ lệ nghỉ việc sau Tết Giáp Thìn có giảm hơn so với tỷ lệ nghỉ việc năm 2023 vào khoảng 15-20%. Mặc dù thị trường kinh tế khủng hoảng, nhân sự cũng dè dặt hơn khi đi tìm công việc mới nhưng với rất nhiều lý do, đội ngũ nhân sự có thể xin nghỉ bất cứ lúc nào và đây cũng là một trong những sự việc khiến Nhà quản lý đau đầu. Các doanh nghiệp đã có những hành động, biện pháp hay kế hoạch gì để quản trị rủi ro cho trường hợp nhiều nhân sự nghỉ việc sau Tết?
Với từng mô hình doanh nghiệp khác nhau, quy mô khác nhau, ngành nghề khác nhau thì sự khó khăn khi bị động bởi nguồn lực cũng khác nhau rất nhiều trong các doanh nghiệp. Dường như doanh nghiệp nhỏ thì tổn thất ít hơn doanh nghiệp lớn, cơ hội tuyển dụng thay thế cũng dễ dàng hơn và nội bộ có thể kiêm nhiệm để chờ tuyển dụng được nhân sự. Những doanh nghiệp vừa và lớn thì mất mát và rủi ro cao hơn đặc biệt với những doanh nghiệp làm dịch vụ lấy con người là nguồn tài nguyên chính. Và tất nhiên, các doanh nghiệp sẽ không để rơi và tình trạng bị ảnh hưởng quá lớn và quá sâu nếu đội ngũ nhân sự nghỉ nhiều sau Tết. Doanh nghiệp đã có những biện pháp phòng ngừa rủi ro và sẵn sàng với những tình huống xấu nhất, không để bất cứ nguồn lực nào cản trở quá trình kinh doanh.
Những biện pháp nhằm quản trị rủi ro đã được phân tích, được đánh giá và lựa chọn để thực thi sau Tết bởi các bộ phận liên quan thông thường sẽ có đầy đủ các cấp quản lý và không thể thiếu là Bộ phận nhân sự. Ở một số tập đoàn lớn tại Việt Nam những năm gần đây đã thiết lập bộ phận HRBP (Human Resource Business Partner), bộ phận này đương nhiên có mặt trong hoạch định chiến lược về nguồn lực cho cả doanh nghiệp và các biện pháp phòng tránh rủi ro. Những phương án được đưa ra có thể là khảo sát mức độ gắn bó của nhân sự; thiết lập các kế hoạch dự phòng về tỷ lệ nhân sự nghỉ việc ở các phòng ban; các chính sách nhằm thu hút nhân sự quay trở lại sau Tết; các phương án tuyển dụng nhân sự bao gồm nội bộ tự tuyển thông qua các kênh tuyển dụng của công ty, tuyển dụng thông qua các kênh tuyển dụng bên ngoài, thông qua các dịch headhunt; phương án thuê ngoài nhân sự thông qua các nhà cung cấp dịch vụ Cho thuê ngoài nhân sự (Outstaffing) cũng là một phương án hiệu quả mà đa số các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam lựa chọn…
Bên cạnh đó, một trong những biện pháp phòng tránh rủi ro về nguồn lực và nằm trong chiến lược phát triển đó là Đào Tạo và Phát triển nhân sự. Đào tạo là biện pháp triển khai ít tốn kém nhất lại đem đến kết quả bền vững nhất. Đào tạo giúp doanh nghiệp có đội ngũ gắn bó, gắn kết và hiểu được định hướng và những giá trị cốt lõi doanh nghiệp sẽ đem đến cho mỗi nhân sự. Với những doanh nghiệp tập trung vào đào tạo cho đội ngũ, quan tâm phát triển đội ngũ, mong muốn họ cùng đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp thì tỷ lệ nghỉ việc thông thường rất thấp, kể cả khi thị trường nhân sự có những biến động lớn sau Tết. Các doanh nghiệp Nhật Bản là những mẫu doanh nghiệp lý tưởng để tham khảo việc họ tập trung cho hoạt động đào tạo và xây dựng những đội ngũ gắn bó như thế nào. Có những doanh nghiệp tôi vận hành dịch vụ nhân sự và đào tạo mà chỉ trong vòng 5 năm thì tỷ lệ nhân sự nghỉ việc hàng năm đã giảm một cách ngưỡng mộ, từ trung bình 5% xuống dưới 1%. Bên cạnh đó, một trong những giá trị khi triển khai Đào tạo đó là sự hiểu biết về Văn hoá doanh nghiệp được đầy đủ, khi đó, nhân sự thấy được đúng ngôi nhà thứ hai của mình thì dù thị trường có khủng hoảng, có biến đổi thì người lao động cũng sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân để cùng doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng cũng giống như chính việc cùng người thân của mình vượt qua bão tố. Những doanh nghiệp dành ngân sách và triển khai Đào tạo gồm Đào tạo nghiệp vụ, Đào tạo Kỹ năng mềm, Đào tạo định hướng và những công cụ đào tạo ngày càng nhiều và mới mẻ, giúp doanh nghiệp triển khai Đào tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí vẫn đem lại những hiệu quả cao. Đặc biệt, Đào tạo giúp nhân sự gắn bó, cũng giúp doanh nghiệp có được sự yêu mến và họ sẵn sàng tạo ra được kết quả và gía trị cao hơn nhiều.
Thông thường các biện pháp nhằm phòng tránh rủi ro khi nhân sự nghỉ việc đã được thực thi và triển khai trong suốt quá trình phát triển kinh doanh của doanh nghiệp nên cho dù, nhân sự có biến động sau Tết thì cũng không phải là bài toán khó của Doanh nghiệp, mà cuối cùng bài toán dành cho Doanh nghiệp là làm thế nào để Phát triển đội ngũ nhân sự hiện tại, giúp họ phát triển giúp họ gắn kết và yêu thích doanh nghiệp của mình.
Biên soạn: Lương Tú Anh – NodeX
Feb 24, 2024